GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 01- 2025

Kính thưa các thầy cô giáo, chào các em học sinh thân mến!

 

Hôm nay cô rất vui vì được gặp các em trong buổi giới thiệu sách của tháng 1-2025. Hướng tới ngày tết Nguyên đán của Việt Nam cô muốn giới thiệu đến các em một cuốn sách rất hay và ý nghĩa.

Tết Nguyên Đán là ngày lễ lớn nhất trong năm của người Việt Nam ta, là khoảng thời gian gia đình cùng nhau đoàn tụ, nghỉ ngơi và chào đón năm mới trong không khí mùa xuân đang về. Tết trong kí ức tuổi thơ của mỗi con người đều khác nhau, mỗi người một cảm nhận, mỗi người một xúc cảm. Nhưng dù là người lớn hay trẻ con, kí ức ấy đều lấp lánh những sắc màu, đều là những khoảnh khắc đẹp trong tâm trí mỗi người.

Các em thân mến, khi nói về Tết  ông cha ta có câu:

“Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ

Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh”

Trong dịp tết cổ truyền Việt Nam, trên mâm cúng gia tiên của bất kỳ gia đình nào cũng không thể thiếu một thứ bánh đậm đà dân tộc Việt nam đó là món bánh chưng xanh. Bánh chưng xanh có từ đâu và vì sao bánh chưng xanh lại được đặt trân trọng trên bàn thờ trong ngày tết như vậy? Cô sẽ giới thiệu với các em qua cuốn sách “Sự tích – bánh chưng, bánh dày ”,  tranh Hoàng Khắc Huyên do NXB Đồng Nai ấn hành năm 2005. Cuốn sách có khổ 15cm được in trên bìa cứng dày, với những hình ảnh ngộ nghĩnh, màu sắc bắt mắt.

Các em thân mến!

Người Việt Nam từ bao đời nay không ai là không biết về sự tích bánh chưng, bánh dày. Sự tích bánh chưng bánh dày tượng trưng cho quan niệm về vũ trụ của người Việt Nam ta thời xưa, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của cây lúa và thiên nhiên trong nền văn hoá lúa nước. Sự tích trên muốn nhắc nhở con cháu về truyền thống hiếu kính; lời giải thích ý nghĩa cũng như nguồn cội của của bánh chưng, bánh dày là nét đẹp trong văn hóa truyền thống của dân tộc. Bên cạnh đó, bánh chưng, bánh dày còn mang những ý nghĩa sâu xa về vũ trụ, nhân sinh. Theo dân gian, bánh chưng hình vuông, có góc cạnh, hình khối cụ thể thuộc âm, tượng trưng cho đất. Bánh dày hình tròn không có góc cạnh, hình khối cụ thể thuộc dương, tượng trưng cho trời nên phải màu trắng, không nhân vị. Còn theo tín ngưỡng phồn thực dân gian thì bánh chưng, bánh dầy còn mang ý nghĩa của sự sinh sôi, nảy nở.

          Bánh chưng âm dành cho mẹ, bánh dầy dương dành cho cha. Trên mâm lễ dâng cúng ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, bánh chưng biểu tượng cho cha Rồng, bánh dày biểu tượng cho mẹ Tiên, mà theo truyền thuyết, đó là khởi thủy cho cộng đồng dân tộc Lạc Việt sau này.

Nếu như trước kia, bánh chưng, bánh dày chỉ được gói, được làm trong những dịp lễ Tết, vào ngày Giỗ Tổ hay khi gia đình có cỗ lớn, thì bây giờ, ở nhiều nơi, nhất là ở những đô thị hiện đại, bánh chưng, bánh dày đã trở thành một thứ hàng quà, được bán hàng ngày phục vụ nhu cầu ẩm thực của người dân. Nó được coi như một loại bánh để ăn chơi, có khi là ăn quà sáng, quà chiều, có khi là món ăn dùng trong những dịp cưới xin, giỗ chạp.


1. Sự tích bánh chưng bánh dày: Truyện tranh. T.36.- Đồng Nai: Nxb. Tổng hợp Đồng Nai, 2005.- 44tr; 15cm.- (Truyện cổ nước Nam)
     Chỉ số phân loại: 398.22022 KK.ST 2005
     Số ĐKCB: TN.01542, TN.01543, TN.01544, TN.01545, TN.01546,

Các em thân mếm!

Để tìm hiểu thêm về ngày Tết cổ truyền, xin  kính mời quý thầy cô và các em cùng đến thư viện để tìm đọc nhé. 

Buổi tuyên truyền giới thiệu sách đến đây xin được khép lại. Kính chúc thầy cô giáo và các em học sinh một đón một tuần học mới tràn đầy niềm vui và thật nhiều sức khỏe!